LŨ LỤT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

NGÀY XƯA VÀ NGÀY NAY

 

Nguyễn Minh Quang

Tháng 11 năm 2000

 

DẪN NHẬP

 

Lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dường như năm nào cũng xảy ra, không lớn thì nhỏ và kéo dài nhiều tháng.  Trong lãnh thổ Việt Nam, lũ lụt ở ĐBSCL được lượng định bằng mực nước của sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc. Sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh chính của sông Cửu Long khi chảy vào Việt Nam.  Hàng năm, do ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam, mực nước sông Cửu Long ở hai trạm Tân Châu và Châu Đốc bắt đầu dâng lên vào khoảng cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7, đạt đến mức cao nhất vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, rồi hạ xuống mức bình thường vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.  Có lẽ vì lũ lụt xảy ra thường xuyên, người dân ĐBSCL gọi khoảng thời gian nước sông Cửu Long dâng cao là “mùa nước nổi.”  Theo tiêu chuẩn của Ủy ban Quốc tế Mekong, “mùa nước nổi” là mùa nước mà mực nước cao nhất tại Châu Đốc nằm trong khoảng từ 3.80 m cho đến 4.20 m.  Nếu mực nước cao nhất tại Châu Đốc cao hơn 4.20 m, ĐBSCL bị lụt.  Nếu mực nước cao nhất tại Châu Đốc thấp hơn 3.80 m, năm đó bị hạn hán.  Dựa theo tài liệu đo đạc từ năm 1941 cho đến nay, trận lũ lụt năm 1961 được xem là trận lụt lớn nhất với mực nước của sông Hậu tại Châu Đốc là 4.94 m và sông Tiền tại Tân Châu là 5.28 m (1).

 

Ngày trước, ngoại trừ những trận lũ lụt lớn như trận lũ lụt năm 1961 và 1966 mà thiệt hại được ước tính lên đến 20,1 triệu Mỹ Kim trong năm 1966, các mùa nước nổi và các trận lụt nhỏ hoặc trung bình ở ĐBSCL không đáng quan tâm và cũng không gây nhiều thiệt hại đáng kể.  Ngược lại, nước lụt mang lại cho vùng ĐBSCL nhiều lợi ích như rửa đất phèn, trải lên vùng ngập lụt một lớp phù sa mầu mỡ, tăng năng suất của lúa sạ, và mang đến cho người dân ĐBSCL một số lượng cá quan trọng.

 

Trong khoảng hai thập niên gần đây, nhất là trong thập niên 1990, các mùa nước ở ĐBSCL đã thay đổi đặc tính và trở thành một mối quan tâm thường xuyên của người dân vùng ĐBSCL, những người có trách nhiệm trong việc phát triển ĐBSCL, và những người dân Việt có quan tâm ở trong nước.  Các mùa nước 1978, 1984, 1991, 1994, 1995, và 1996 đã gây thiệt hại nặng nề cho vùng ĐBSCL.  Thật vậy “Một câu hỏi thường xuyên đặt ra đã làm đau đầu nhức óc các nhà lãnh đạo cao cấp, các nhà khoa học và nhân dân ĐBSCL sau những năm lũ lụt liên tiếp 1994-1995-1996: Vì sao có tình hình đột biến bất ngờ như vậy đối với ĐBSCL trong cuối thế kỷ nầy?...  Nhân dân ĐBSCL đã suy tư trăn trở nhức nhối rất nhiều về những vấn đề này, nhất là lũ lụt ngày càng liên tiếp diễn ra và gây tác hại ngày càng quá lớn” (2).

 

Hiện tình lũ lụt ở ĐBSCL cũng là mối quan tâm của những người dân Việt hải ngoại có lòng với đất nước và dân tộc và của nhiều cơ quan và tổ chức trên thế giới. “Nếu không có những biện pháp cải thiện tình trạng hiện tại và tiếp tục “sự nghiệp làm thủy lợi” như trong thời gian qua, lụt năm 1978 chắc chắn sẽ còn tái diễn thường xuyên trong tương lai” (3).  Lũ lụt, cùng với việc nhiễm mặn và nhiễm phèn, được Trung tâm Tài nguyên Mekong Úc Đại Lợi của trường Đại học Sydney xem như là ba nguy cơ về môi sinh hiện nay ở ĐBSCL. Một trong những vấn đề then chốt mà cư dân và môi trường của lưu vực sông Mekong trong lãnh thổ Việt Nam phải đối phó là tình trạng suy đồi (degradation) do việc phát triển quá nhanh chóng trong hai thập niên vừa qua.  Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ về môi sinh như lũ lụt, nhiễm mặn, và nhiễm phèn.  Việc phát triển bên trong, cũng như bên ngoài đồng bằng, có khả năng làm cho những nguy cơ nầy trầm trọng thêm” (4).

 

Một yêu cầu mới được đặt ra là phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng như vậy để ‘chữa bệnh đúng thuốc’ chứ không thể nằm yên chờ ‘đến hẹn lại lên’ của lũ lụt như trước đây để ‘chung sống với lũ’ và chỉ ‘khắc phục hậu quả’ sau khi lụt rút đi” (2).  Tìm hiểu đặc tính của lũ lụt ở ĐBSCL ngày xưa và ngày nay chính là tìm hiểu nguyên nhân vì sao lũ lụt ngày càng liên tiếp diễn xảy ra và gây tác hại ngày càng lớn trong khoảng hai thập niên vừa qua và có thể trong tương lai.

 

LŨ LỤT SƠ KHAI Ở ĐBSCL

 

Trước khi ĐBSCL được khai khẩn, nước sông Cửu Long theo các sông chính, các sông nhánh song song với sông chính, và các mương rạch thiên nhiên chảy ra biển Đông.  Mực nước trong sông Cửu Long bắt đầu dâng ngay sau các cơn mưa đầu mùa trong tháng 5 hoặc tháng 6 do gió mùa Tây Nam mang đến.  Sông Cửu Long bắt đầu tràn bờ và làm ngập một vùng rộng lớn ở phía dưới Kratie,ù Kampuchea (Hình 1 và 2).  Diện tích bị ngập có thể lên đến 55.000 km2 trong những trận lụt lớn (5).  Khi lưu lượng nước lũ trong sông Cửu Long tăng cao, nước lũ không những chảy ngược vào Biển Hồ qua sông Tonle Sap mà còn tràn bờ và chảy vào các vùng trũng dọc theo sông.  Vào cuối mùa lũ, khi lưu lượng lũ trong sông chính giảm xuống, nước từ Biển Hồ và các vùng trũng lại chảy trở ra sông Cửu Long.  Có thể nói, đây là một đặc tính thủy học có một không hai (unique) của sông Cửu Long.  Nhờ vậy, lưu lượng lũ chảy vào lãnh thổ Việt Nam được “điều hòa” một cách tự nhiên và mực nước lụt ở ĐBSCL trong lãnh thổ Việt nam dâng chậm hơn và thấp hơn nhưng thời gian lũ lụt lại kéo dài hơn so với lũ lụt ở vùng thượng lưu.

 

Từ Kampuchea, phần lớn nước lũ theo sông Tiền và sông Hậu đổ vào Việt nam rồi thoát ra biển Đông theo hướng của hai sông nầy (hướng Tây Bắc – Đông Nam).  Trong những năm lũ lớn hoặc trung bình, nước lũ trong sông Tiền (thượng lưu Cao Lãnh) và sông Hậu (thượng lưu Long Xuyên) có thể tràn bờ hoặc theo các mương rạch thiên nhiên để chảy vào vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và trũng Rạch Giá hay Tứ Giác Long Xuyên (TGLX).  Nước lũ còn theo các sông Sở Thượng và rạch Cái Cái chảy vào ĐTM và theo sông Châu Đốc chảy vào TGLX rồi làm ngập hai vùng trũng nầy.  ĐTM và TGLX cũng nhận nước lũ chảy tràn qua biên giới Việt Miên.  Từ ĐTM, một phần nước lũ chảy tràn hoặc theo các mương rạch trở lại sông Tiền ở hạ lưu, một phần theo hướng Tây-Đông chảy tràn hoặc theo các mương rạch thiên nhiên thoát ra sông Vàm Cỏ Tây rồi chảy ra biển Đông.  Từ TGLX, một phần nước lũ chảy tràn hoặc theo các mương rạch thiên nhiên trở lại sông Hậu ở hạ lưu, một phần theo hướng Đông Bắc – Tây Nam thoát ra vịnh Thái Lan, và một phần tràn vào sông Cái Lớn và Cái Bé rồi chảy ra vịnh Thái Lan (1).